Mới đây, một phân tích dựa trên hình ảnh vệ tinh và sóng địa chấn thu được từ cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã ủng hộ cho giả thuyết rằng cơ sở ngầm này đã bị sụp đổ, chí ít là một phần.

Hình ảnh vệ tinh và dữ liệu địa chấn tiết lộ tình trạng cơ sở thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên có thể đã sụp đổ, hoàn toàn hoặc một phần. Tuy nhiên giả thuyết này vẫn cần phải được kiểm chứng. Ảnh: Google Earth.

Hình ảnh vệ tinh và dữ liệu địa chấn tiết lộ tình trạng cơ sở thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên có thể đã sụp đổ, hoàn toàn hoặc một phần. Tuy nhiên giả thuyết này vẫn cần phải được kiểm chứng. Ảnh: Google Earth.

Trong nhiều năm liền, các nhà địa chấn học trên khắp thế giới đã dõi theo chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Bắc Triều Tiên bằng cách phân tích những rung chấn phát ra từ các vụ nổ tại bãi thử bên dưới núi Mantap. Vừa qua, các nhà nghiên cứu đã ghép đối chiếu hình ảnh vệ tinh 3 chiều núi Mantap với dữ liệu địa chấn để thực hiện mô phỏng những biến đổi cấu trúc bên trong lòng núi, sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch (hay bom khinh khí) vào hôm 3/9/2017.

Các mô phỏng cho thấy vụ nổ đã gây ra một trận động đất với cường độ ước đạt 6,3 độ richter, tác động trực tiếp đến một hang động ngay bên trên bãi thử – kết quả được công bố trên Science vào hôm 10/5/2018. Ngoài ra, những mô phỏng cũng cho thấy có thể đã xuất hiện một vụ sụp đá khác, cách địa điểm xảy ra vụ nổ khoảng 700 m về phía Nam, và gây ra một trận động đất nhỏ hơn, khoảng 8 phút sau đó.

Những tảng đá rơi khiến miệng núi Mantap lún xuống khoảng 0,5m và có thể đã chôn vùi một phần, thậm chí toàn bộ cơ sở thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên, khiến cho nó không còn có thể sử dụng được nữa – Teng Wang, nhà khoa học viễn thám và trắc địa tại Đài quan sát Trái đất ở Singapore, đồng tác giả của nghiên cứu trên – cho biết.

Những kết quả trên cũng ủng hộ cho một phân tích địa chấn khác – công bố trên Geophysical Research Letters vào hôm 27/4/2018 – cho thấy sự sụp đổ của lòng đất bên dưới Mantap. Nghiên cứu này cũng khiến nhiều cơ quan truyền thông quốc tế nghi ngờ động cơ tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Bắc Tiều Tiên, có lẽ không phải vì áp lực quốc tế mà là do các cơ sở thử nghiệm đã không còn sử dụng được nữa.

Sau cùng, có lẽ các chuyên gia vẫn cần điều tra tại thực địa để kiểm chứng khẳng định trên – Douglas Dreger, nhà khoa học trái đất và hành tinh tại Đại học California Berkeley, và đồng tác giả của nghiên cứu trên – cho biết. “Thật khó để phán xét khi thiếu thông tin về bãi thử. Vì vậy, hãy tới đó để điều tra”, ông nói.